Skip to main content

Ý NGHĨA, CHUẨN MỰC CỦA LỜI CHÀO CÔNG SỞ

Chào hỏi là vấn đề cơ bản trong giao tiếp thường ngày nhưng khi đặt vào bối cảnh nơi công sở, chúng lại trở nên đặc biệt quan trọng. Việc chào hỏi hằng ngày sẽ quyết định ấn tượng của một người và nó cũng là một yếu tố đánh giá trong môi trường văn hóa công sở. Vì vậy, bạn cần phải ý thức được rằng mình nên chào hỏi người khác với tâm thế thật thoải mái.
Thứ nhất, lời chào, đặc biệt là chào buổi sáng, giúp bầu không khí ngày mới trở nên tươi vui, tích cực, giúp cải thiện tinh thần làm việc cho cả chúng ta và những người xung quanh;
Thứ hai, “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Thực vậy, lời chào là thứ miễn phí nhưng lại có công dụng gắn kết tuyệt vời. Nếu ta không phải là người giỏi ăn nói, thì những câu chào hỏi đơn giản nhưng lịch sự, đúng mực sẽ giúp ta ghi điểm với đồng nghiệp là một người thân thiện và lịch sự;
Thứ ba, chào hỏi là nền tảng giúp chúng ta xóa bỏ sự gượng gạo, khó xử trong giao tiếp. Trong công việc, có lúc chúng ta sẽ cần phải làm việc với các phòng ban khác tưởng chừng như không liên quan. Nếu bình thường chúng ta có chào hỏi, làm quen với họ trước, tới khi có việc cần hợp tác, chúng ta cũng dễ dàng mở lời, đối phương cũng sẽ sẵn lòng giúp đỡ hơn;
Thứ tư, văn hóa chào hỏi góp phần xây dựng một môi trường làm việc bình đẳng. Ngày nay, không chỉ có nhân viên chào hỏi sếp, người nhỏ chào người lớn, mà ngược lại các lãnh đạo cũng chào và hỏi thăm cấp dưới. Điều này, không chỉ giúp tạo nên sự thân thiện và gần gũi giữa lãnh đạo với nhân viên, mà còn khiến nhân viên thêm gắn kết với công ty, khiến họ có niềm tin vào một môi trường làm việc văn minh, bình đẳng nơi mỗi cá nhân đều có giá trị và được tôn trọng.
Nếu cơ quan được xây dựng được văn hóa chào hỏi, điều này còn giúp cơ quan xây dựng được hình ảnh đẹp trong mắt người dân.  
Chào hỏi thế nào cho đúng mực?
Nhận thức được tầm quan trọng của lời chào, đối với mỗi nền văn hóa, sẽ có những đặc trưng riêng trong việc chào hỏi mà chúng ta cần tìm hiểu khi làm việc chung. Tuy nhiên, để việc chào hỏi được đúng mực và mang lại hiệu quả trong giao tiếp, cần chú ý các điểm sau:
Hãy đứng lên khi chào hỏi: Đứng lên khi bạn gặp ai đó vừa thể hiện sự tôn trọng vừa giúp chúng ta dễ dàng tiếp xúc bằng mắt với đối phương. Trong một số trường hợp, khi bạn không thể đứng lên, hãy nhẹ nhàng xin lỗi và giải thích là vị trí mình ngồi đang không tiện đứng lên.
Hãy mỉm cười và giao tiếp bằng mắt: Khi bạn bước vào phòng hoặc có người khác bước vào phòng hãy mỉm cười và giao tiếp bằng mắt với họ. Hai ngôn ngữ hình thể này là cách đơn giản và hiệu quả để thể hiện bạn đang vui và có hứng thú bắt chuyện với họ, trước khi có nói lời chào hay có tiếp xúc vật lý khác.
Chủ động giới thiệu và bắt tay: Đừng đợi người khác giới thiệu nếu bạn được một người không quen tiếp cận. Đảm bảo cung cấp đủ thông tin để người ấy biết lý do tại sao hai bạn nên nói chuyện. 
Ngoài ra, đừng chỉ giới thiệu mỗi tên. Bạn cũng có thể kết hợp việc chào hỏi bằng một cái bắt tay. Khi bắt tay, bạn cần chú ý không siết quá chặt, nhưng cần giữ cổ tay chắc chắn, không lỏng lẻo, thời gian bắt tay đủ lâu để hai bên giới thiệu tên, nhưng không quá lâu khiến cả hai thấy không thoải mái.
Luôn lắng nghe và ghi nhớ tên: Luôn tập trung khi ai đó giới thiệu bản thân và cố gắng ghi nhớ tên người đó. 
Không chỉ dừng lại ở việc chào hỏi những người đồng nghiệp mà chúng ta đã biết, mà hãy chào hỏi và chúc một ngày mới tốt lành với cả những những người đồng nghiệp mà chúng ta ít tiếp xúc hay những vị cấp trên mà chúng ta trước giờ ngại chạm mặt. Chỉ bằng việc thay đổi những thói quen nhỏ như chào hỏi trong cơ quan, mỗi người chúng ta đã có thể cùng nhau tạo nên sức lan tỏa to lớn, góp phần xây dựng một môi trường làm việc thật hạnh phúc và bình đẳng.

Bình Đức